Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm. Trong đó, Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm đối với gia cầm, thủy cầm và các loài chim, tỷ lệ chết cao trong 24-48 giờ sau khi nhiễm, gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn do phải tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch. Bệnh lây trực tiếp sang người và gây tử vong.
I. NGUYÊN NHÂN VÀ ĐƯỜNG TRUYỀN LÂY
1. Nguyên nhân
Bệnh Cúm gia cầm do vi rút cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, gồm nhiều type phụ khác nhau: H5N1, H5N2, H7N2, H7N7,… Trong đó type cúm A/H5N1 là phân type chính gây ra dịch và hiện nay đang có nguy cơ bùng phát trở lại.
2. Đường truyền lây
Bệnh lây sang người và xảy ra quanh năm, thường phát vào lúc chuyển mùa từ thu sang đông và vào mùa đông.
Có hai đường truyền lây chính là:
– Đường hô hấp: truyền trực tiếp từ con bệnh sang con khỏe, gia cầm hít phải không khí có mầm bệnh.
– Đường tiêu hóa: do thức ăn nước uống có chứa mầm bệnh.
Ngoài ra, vi rút Cúm gia cầm dễ dàng truyền từ nơi này đến nơi khác do con người, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi,…
II. TRIỆU CHỨNG VÀ BỆNH TÍCH
1. Triệu chứng
Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01-03 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút.
Gà thường biểu hiện triệu chứng: Đi không bình thường, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh.
Vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.
2. Bệnh tích
Mũi viêm xuất huyết và tịt lại, viêm hoại tử và xuất huyết tràn lan ở các phủ tạng (phổi, tim, gan, buồng trứng,…), đặc biệt tuyến tụy sưng to;
Viêm xuất huyết toàn bộ niêm mạc dạ dày cơ (mề), dạ dày tuyến, ruột non, manh tràng, hậu môn, túi Fabricius,…;
Da và cơ đều thấy xuất huyết đỏ sẫm từng mảng.
III. PHÒNG BỆNH
Để phòng, chống dịch Cúm gia cầm thì tiêm vắc xin là một trong những biện pháp chủ động và phòng bệnh tốt nhất cho đàn gia cầm tạo miễn dịch chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ con người. Việc chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có chăn nuôi gia cầm.
Ngày 10 tháng 10 năm 2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2208/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM gia súc, Cúm gia cầm và Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024. Theo đó, thời gian triển khai tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: đợt I từ ngày 01/3/2024 đến ngày 15/3/2024, đợt II từ ngày 04/9/2024 đến ngày 19/9/2024.
Cán bộ thú y cơ sở thực hiện tiêm vắc xin Cúm gia cầm tại xã Hoà Tiến
Việc tiêm phòng vắc xin sẽ giúp bảo hộ cho đàn gia cầm và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên để phòng bệnh, nhằm giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi do dịch bệnh gây ra. Đồng thời đảm bảo duy trì vùng An toàn dịch bệnh Cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn huyện Hoà Vang.