-
Đặc điểm chung
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiểm nguy hiểm trên động vật có vú và người. Tại Việt Nam chó nuôi là nguồn mang mầm bệnh chủ yếu sau đó là mèo nuôi và các động vật khác. Người bị chó Dại cắn nếu không được điều trị dự phòng kịp thời sẽ tử vong.
-
Nguồn bệnh, thời gian mang mầm bệnh và lây truyền
– Ổ chứa vi rút Dại chủ yếu là chó thả rông, chưa được tiêm phòng Dại.
– Thời gian từ khi chó bắt đầu nhiễm vi rút đến khi phát hiện bệnh là từ 02 tuần đến 6 tháng. Trong thời gian này con vật chưa có biểu hiện Dại.
– Thời gian lây truyền khoảng trước 10 ngày và sau 10 ngày khi chó có biểu hiện Dại. Ở giai đoạn này, chó bài thải vi rút qua nước bọt và gây nhiễm cho động vật khác, cũng như con người thông qua vết cắn, cào, liếm.
-
Dấu hiệu nghi mắc bệnh Dại
Chó có biểu hiện cắn lung tung và thay đổi hành vi như ủ rũ, hung dữ bất thường, chảy nhiều nước dãi, sợ ánh sáng và một số biểu hiện bất thường khác.
Các triệu trứng của bệnh Dại:
– Thể điên cuồng:
Thời kỳ đầu con vật thay đổi thói quen, trở nên lo lắng, bứt dứt, giận dữ, có khi bỗng trở lên vui vẻ, quấn quýt với chủ. Con vật ăn uống bình thường, chỉ hơi sốt nhẹ. Sau đó là thời kỳ kích thích, con vật có biến loạn về thần kinh, có biểu hiện hoảng loạn, kêu la, chạy nhảy điên cuồng, vồ bóng, vồ mồi, bỏ ăn, nước dãi chảy nhiều, lông khô.
Sau thời gian ủ bệnh chó lên cơn dữ dội, mắt đỏ ngầu, chảy dãi, xùi bọt trắng như xà phòng quanh mép không còn cảm giác, đi như điên lao vào mọi người kể cả chủ để cắn xé một cách tàn bạo sợ nước, sợ gió. Chó bỏ ăn hay nhai nuốt bất kể vật gì mà nó nhìn thấy.
– Thể bại liệt:
Con vật biểu hiện buồn bã, bồn chồn ăn ít hay bỏ ăn, thích nằm yên trong những chỗ tối (Góc nhà, gầm tủ, gầm giường) gầy sút nhanh chóng, Vài ngày sau đó chó bị liệt chân, liệt hàm không tự há mồm ra được nhưng nước bọt vẫn chảy quanh mép. Chó chết sau 3-5 ngày trong trạng thái bại liệt hoàn toàn thể dại này rất nguy hiểm do khó nhận biết.
-
Khi bị chó mèo cắn cần phải làm gì?
– Khi bị chó, mèo cắn cần phải rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước ít nhất 5 phút rồi bôi cồn 70o hoặc cồn Iod nơi vết cắn, không làm dập vết thương. Đến ngay cơ quan y tế để khám và tiêm phòng, tuyệt đối không đi lấy nọc hoặc chữa thuốc Nam.
– Nhốt riêng súc vật cắn người để theo dõi trong vòng 10 – 21 ngày.
-
Biện pháp phòng chống bệnh Dại
Để đảm bảo công tác phòng chống bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn. Tiêm phòng vaccine Dại cho đàn chó, mèo là biện pháp hữu hiệu nhất tạo miễn dịch bệnh Dại đối với đàn chó, mèo nhằm ngăn chặn không cho phát sinh dịch bệnh đồng thời bảo vệ an toàn sức khoẻ cho người dân.
5.1. Khi nuôi chó, mèo phải:
– Đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã, phường;
– Chó, mèo nuôi phải được tiêm phòng bệnh Dại theo định kỳ và có giấy chứng nhận tiêm phòng do cơ quan thú y cấp.
– Giữ chó trong nhà, không thả chó chạy rông. Chó ra ngoài phải đeo rọ mõm và có dây dẫn.
5.2. Đối với người nuôi chó, mèo thực hiện nghiêm túc “5 không” :
– Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương;
– Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại;
– Không nuôi chó thả rông;
– Không để chó cắn người;
– Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm
Để chủ động phòng, chống bệnh Dại, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng phối hợp với UBND các phường/xã tổ chức các đợt tiêm phòng Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên điạ bàn thành phố vào tháng 3, tháng 4, tháng 5 hằng năm.
Hình ảnh: Triển khai tiêm phòng Dại tại các điểm tiêm tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Thực hiện Kế hoạch số 563/KH-SNN ngày 21/02/2023 về Tiêm phòng bệnh Dại cho động vật nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2023, Trung tâm đã phối hợp với địa phương triển khai tiêm phòng Dại bắt đầu từ 25/3/2023 đến hết ngày 19/5/2023.
Các chủ hộ có nuôi chó, mèo muốn biết thêm thông tin chi tiết hoặc đăng ký tiêm phòng có thể liên hệ trực tiếp với UBND các xã, phường; tổ trưởng tổ dân phố hoặc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng – số 204 Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Điện thoại: 02363 679 752 để được hỗ trợ./.