Bưởi da xanh nằm trong nhóm cây có múi , một loài trái cây mà được thị trường ưa chuộng vì chất lượng ngon, có thể tồn trữ lâu, vận chuyển dễ dàng và có giá trị kinh tế. Diện tích trồng bưởi da xanh ngày càng được mở rộng ở nhiều nơi. Để trồng cây bưởi da xanh đạt năng suất cao và chất lượng trái ngon, cần chuẩn bị tốt công tác kỹ thuật và chăm sóc cây. Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng giống bưởi da xanh này.
-
Giống bưởi da xanh
Nên chọn một loại giống duy nhất là bưởi da xanh, không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo; bên cạnh đó, nên trồng bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng đất phèn; mau ra trái, bảo đảm chất lượng giống hệt cây mẹ. Cây bưởi chiết có tuổi thọ khá cao.
Tham khảo mua cây giống tại: https://kythuatnongnghiepdanang.com/
-
Thời vụ trồng bưởi da xanh
Bưởi da xanh trồng được quanh năm nhưng nên trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới, thời điểm thích hợp nhất vào tháng 5–6 dương lịch hàng năm. Cũng có thể trồng vào cuối mùa mưa nếu có đủ điều kiện tưới trong mùa nắng.
-
Mật độ trồng
Khoảng cách trồng trung bình có thể là 4-5m x 5-6m (tương đương mật độ trồng khoảng 35-50cây/1000m2).
-
Chuẩn bị mô trồng và cách trồng
Đất làm mô thường là đất mặt ruộng hoặc đất bãi bồi ven sông phơi khô. Mặt mô nên cao 40-60cm, đường kính 80-100cm. Đắp mô trước khi trồng 2-4 tuần, trộn đều đất đắp mô với 10 kg phân hữu cơ hoai với 200g vôi. Khi trồng, đào lỗ ở giữa mô và bón vào đáy lỗ 200g phân DAP (18%N-46%P205), phủ lên trên một lớp đất mỏng. Dùng dao cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa lỗ làm thế nào để mặt bầu cây nhô cao khoảng 3cm so với mặt mô, sau đó lấp đất xung quanh bầu cây ém nhẹ, kéo bao nylon từ từ lên và lấp đất lại ngang mặt bầu, tưới nước. Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh cây bị tách chồi. Sau khi trồng cần cắm cọc giữ chặt cây con. Đối với cây chiết nên đặt cây nằm nghiêng một góc khoảng 45o để cây dễ phát triển cành và tán về sau.
-
Tưới nước
Bưởi cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn cây con và ra hoa đậu trái. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho bưởi. Vào mùa mưa, cần hạn chế tưới nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết.
-
Tỉa cành
Hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những cành đã mang trái (thường rất ngắn khoảng 10- 15cm), cành sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang trái, các cành đang chéo nhau, đồng thời cũng cần loại bỏ các cành vượt trong thời kỳ đang mang trái nhầm han chế việc cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh cho cây. Chú ý: trong quá trình cắt cần phải khử trùng dụng cụ cắt.
-
Tạo tán
Từ vị trí mắt ghép trở lên khoảng 50- 80cm thì bấm bỏ ngọn. Chọn 3 mầm khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo 3 hướng tương đối đồng đều là cành cấp 1, dùng cọc tre cấm xuống đất để giữ cành cấp 1 tạo với thân chính 1 góc 35 – 40°. Từ cành cấp 1 sẽ mọc ra cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2- 3 cành cấp 2. Cành cấp 2 phải để cách thân chính 15- 30cm và cành này cách cành kia 20- 25cm, cùng với cành cấp 1 tạo thành một gốc 30- 35°. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3, cành này không hạn chế về số lượng và chiều dài, nhưng cần loại bỏ những các cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 2 năm cây sẽ có bộ tán cân đối.
Quét vôi quanh gốc cây định kỳ 1-2 tháng/lần, đoạn sát mặt đất cao 80-100 cm, lớp vôi bám vào vỏ cây ngăn không cho sâu đục thân trưởng thành, do một loại xén tóc đến đẻ trứng vào lớp vỏ của gốc cây. Buổi tối 19-21 giờ thắp bóng điện sáng ở giữa vườn, xén tóc có tính hướng quang sẽ bay đến, dùng vợt bắt đem giết hạn chế trứng đẻ.
-
Bón phân
Trên cơ sở phân tích chất đất mà có chế độ bón phân thích hợp. Sử dụng phân hữu cơ kết hợp vô cơ, bón gốc kết hợp bón lá theo từng giai đoạn phát triển của cây bưởi.
– Phân hữu cơ: Xu hướng canh tác tiên tiến hiện nay là sử dụng càng nhiều phân hữu cơ càng tốt khi sản xuất trái cây theo hướng sạch. Liều lượng 15-30 kg/năm/cây trưởng thành rất tốt cho bưởi, giúp tăng tuổi thọ rất rõ cho cây. Cách ủ phân hữu cơ đơn giản: Không nên bón xác bã hữu cơ tươi vào đất mà nên ủ cho hoai mục trước khi bón. Các nguyên liệu hữu cơ được gom lại, có thể trộn với vôi để xử lý một số mầm bệnh trong đống ủ. Để gia tăng tiến trình này, trên thị trường đã có các loại phân phân hủy, có thể trộn thêm Lân và phân Đạm làm thức ăn cho vi sinh vật. Có thể ủ với Nấm đối kháng sau 6-8 tuần. Sử dụng phân này bón cho bưởi rất tốt.
– Phân vô cơ: thường sử dụng là DAP rải xa gốc hoặc NPK phun lên lá.
Đạm (N) giúp cây bưởi phát triển nhanh, đâm chồi, thiếu đạm cây bưởi còi cọc, ốm yếu, đạm phù hợp cây bưởi trong giai đoạn tăng trưởng.
Lân (P) kích thích nẩy chồi, đẻ nhánh, thúc đẩy bưởi ra hoa, đậu trái; lân còn giúp cây bưởi chống bị nhiễm bệnh.
Kali (K) giúp cây bưởi cứng cáp, trái không bị rụng non.
-
Kỹ thuật bón phân
Tùy theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bưởi, việc bón phân có thể được chia ra các thời kỳ như sau :
– Thời kỳ cây 1-3 năm tuổi: Phân bón được chia làm nhiều đợt để bón cho bưởi. Nếu đã có bón lót phân Lân hoặc DAP thì dùng phân Urea với liều lượng 10-20g hòa tan trong 10 lít nước để tưới cho một gốc bưởi (1-2 tháng/lần). Khi cây trên 1 năm tuổi, bón trực tiếp phân vào gốc.
– Thời kỳ cây bưởi đã cho trái ổn định: Có thể chia làm 5 lần bón như sau :
+ Sau thu hoạch: bón 25% đạm + 25% lân + 10-30 kg hữu cơ/gốc/năm.
+ Bốn tuần trước khi cây ra hoa: bón 25% đạm + 50% lân + 25% kali.
+ Sau khi đậu quả: bón 25% đạm + 25% lân + 25% kali.
+ Giai đoạn quả phát triển: bón 25% đạm + 25% kali.
+ Một tháng trước thu hoạch: bón 25% kali.
Nên bón bổ sung từ 0,5-1kg phân Ca(NO3)2/cây/năm vào các giai đoạn sau thu họach, trước khi trổ hoa và sau đậu trái. Có thể phun phân bón lá tối đa không quá 3 lần/vụ trái, mỗi lần cách nhau ít nhất 30 ngày. Không phun phân bón lá vào mùa mưa vì làm cây dễ nhiễm nấm bệnh như Loét, Mốc hồng, Đốm rong.
-
Phòng trừ sâu bệnh
Để phòng trừ các loại sâu, côn trùng chích hút, bệnh,…nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc bảo vệ thực vật. Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hại phổ biến và thường gặp:
Sâu vẽ bùa trên lá bưởi da xanh
Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, tuy nhiên tập trung gây hại mạnh vào tháng 7,8,9 do thời điểm này cây ra đọt non nhiều, nguồn thức ăn dồi dào. Điều kiện thuận lợi để sâu gậy hại thường là nhiệt độ từ 23 – 29oC, độ ẩm từ 85 – 90%.
Sâu vẽ bùa thường gây hại trên các chồi và lá non. Ngay khi lá non vừa ra, ấu trùng sâu mới nở đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần mô mềm trong lá, ăn đến đâu biểu bì lá phồng đến đấy, tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo. Sau đây là các biện pháp phòng trừ sâu vẽ bùa gây hại:
Biện pháp canh tác:
Để phòng trừ được sâu vẽ bùa hiệu quả cần lưu ý đến việc cắt tỉa cành. Cắt tỉa cành đồng loạt sẽ giúp đọt non ra đồng loạt giúp kiểm soát sâu vẽ bùa hiểu quả cao nhất. Nếu để đọt ra rải rác sẽ rất khó kiểm soát.
Ngoài ra, cần phải thường xuyên theo dõi quan sát thăm vườn bảo vệ các đợt đọt non, phát hiện sâu bệnh kịp thời để có hướng giải quyết.
Bên cạnh đó cần bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng, các loại ong ký sinh họ Chalcidoidea và Ichneumonidea.
Biện pháp hoá học:
Khi mật số sâu quá cao, có thể dùng các loại thuốc nội hấp để phun hay các hỗn hợp sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong tự nhiên, khi mật độ gây hại cao, sử dụng luân phiên một số thuốc gốc như: Chlorantraniliprole + Abamectin, Imidacloprid, Polytrin, Selecron, dầu khoáng,…có thể phối hợp dầu khoáng với thuốc sâu để tăng hiệu quả phòng trừ.
Biện pháp sinh học:
Kiểm soát phòng trừ sâu vẽ bùa bằng cách phun thuốc trừ sâu sinh học (Bio-AW) kết hợp với amino acid (đạm cá) khi đọt non mới nhú bằng hạt gạo. Amino sẽ giúp dưỡng lộc, bổ sung thêm vi lượng nhằm tăng vách tế bào của lá hạn chế sức tấn công của sâu vẽ bùa.
Bón đầy đủ dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân vi sinh, phân bón lá để giúp nâng cao sức đề kháng của cây trồng, cây trồng phát triển tốt lá to, lớp biểu bì dày khiến sâu non khó xâm nhập lá, hạn chế gây hại.
Bên cạnh đó có thể dùng các sản phẩm vi sinh, sinh học giúp lá khỏe sẽ hạn chế sâu tấn công như: EM, chitosan,…
Rầy chổng cánh trên cây bưởi da xanh
Thành trùng dài khoảng 2,5-3mm, màu nâu xám, xen những vết trắng vàng. Rầy đẻ trứng thành từng chùm, thường ở nách lá, trên chồi non. Trứng dài khoảng 0,3mm, màu vàng , có hình như trái lê. Ấu trùng hình bầu dục, rất nhỏ, dẹp, lúc mới nở có màu vàng đến tuổi 4, tuổi 5 chuyển sang màu nâu vàng. Con trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa, nếu nặng làm lá rụng, đọt non và cành non bị khô. Chất bài tiết của rầy tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát sinh, hạn chế khả năng quang hợp. Ngoài ra, rầy còn là môi giới truyền vi khuẩn gây bệnh Vàng lá Greening.
Biện pháp phòng trừ rầy chổng cánh trên cây bưởi da xanh:
Điều khiển cây ra đọt tập trung, dùng bẩy vàng để phát hiện rầy trong vườn, chú ý vào các đợt ra đọt non, sử dụng các loại thuốc như Bascide 50EC, Applaud 10WP 10-15g/8 lít, Actara 25 WG 1g/8 lít.
Rầy mềm trên cây bưởi da xanh
Cơ thể hình bầu dục, bóng, kích thước rất nhỏ. Rầy chích hút nhựa ở những bộ phận non của cây như lá non, đọt non, cành non làm chúng bị còi cọc, cong queo, giảm khả năng sinh trưởng của cây. Ngoài ra, chất bài tiết của rầy còn tạo môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát sinh, dẫn dụ kiến bảo vệ rầy. Rầy mềm là môi giới truyền virus gây bệnh Triteza trên cây bưởi.
Biện pháp phòng trừ rầy mềm trên cây bưởi da xanh:
Vào những ngày ra lá non, đọt non, cần theo dõi vườn thường xuyên để hạn chế mật độ rầy.
Có thể phun xịt luân phiên thuốc Trebon 10EC, Bassa 0,2%.
Rầy phấn trắng trên cây bưởi da xanh
Rầy trưởng thành dài khoảng 1,5 – 2mm, có hai cặp cánh trắng, râu đầu ngắn. Rầy phấn trắng đẻ trứng ở mặt dưới lá, rãi rác thành vòng tròn hình xoắn ốc và được che phủ bởi những lông sáp trắng mịn. Sau khi đẻ khoảng một tuần, trứng nở ra ấu trùng (rầy non) .Chúng tấn công trên chồi non, hoa và cả trái non, dẫn đến chồi non bị vàng, quăn queo, hoa, trái non kém phát triển hoặc có thể bị rụng. Thời tiết nắng mưa luân phiên là điều kiện thuận lợi cho rầy phấn trắng phát triển.
Biện pháp phòng trừ rầy phấn trắng trên cây bưởi da xanh:
Thường xuyên dọn sạch cỏ, dùng máy bơm nước có áp lực mạnh phun vào chỗ có nhiều rầy đeo bám nhằm rửa trôi rầy và hạn chế rất tốt nấm bồ hống phát triển.
Phun thuốc diệt trừ rầy phấn trắng kịp thời (nhất là vào thời điểm cây đang ra đọt non và trái non) bằng Dầu khoáng hoặc các nhóm thuốc có hoạt chất Abamectin (Vibamec 1.8EC, Nouvo 3.6EC,…), Thiamethoxam (Actara 25WG,..).
Bệnh vàng lá Greening trên cây bưởi da xanh
Bệnh do vi khuẩn Liberobacter asiaticum sống trong mạch dẫn libe của cây, lây lan qua mắt ghép hoặc do rầy chổng cánh truyền qua. Vi khuẩn làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng, bệnh lan truyền chủ yếu do cây giống đã nhiễm bệnh và qua nhân giống vô tính như chiết, ghép. Triệu chứng: lá bị vàng lốm đốm nhưng gân vẫn còn xanh, gân bị sưng rồi trở nên cứng và uốn cong ra ngoài. Cây bị bệnh hệ thống rễ cũng bị thối nhiều.
Phòng trị bệnh vàng lá Greening trên cây bưởi da xanh:
Loại bỏ cây đã nhiễm để tiêu hủy mầm bệnh, tránh chiết, tháp và lấy mắt trên những cây nghi ngờ có mầm bệnh.
Khử trùng các dụng cụ cắt tỉa sau mỗi lần sử dụng.
Trồng cây làm hàng rào chắn gió xung quang vườn cây để hạn chế rầy chổng cánh di chuyển từ nơi khác tới.
Vào các thời điểm cây ra lá non cần phun thuốc trừ rầy chổng cánh.
Bệnh thán thư trên cây bưởi da xanh
Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides (Pemz.) Saco; Glomerella cingulata (Stonom.) Spaulo. Trên lá, bệnh tấn công bất cứ vị trí nào, vết bệnh úng nước, màu nâu sáng, mang các ổ nấm hồng nhạt hay màu nâu ở tâm, viền màu đỏ sậm. Trên trái bệnh, xuất hiện những đốm nhỏ tròn, màu vàng nhạt trên vỏ trái, vết bệnh hơi lõm vào vỏ. Nấm bệnh có thể gây hại trên cành non làm cành bị héo khô. Bệnh phát triển và gây hại nhiều trong mùa mưa, các trái nằm khuất trong tán cây thường bị bệnh nặng hơn.
Biện pháp phòng trị bệnh thán thư trên cây bưởi da xanh:
Tỉa cành thông thoáng, loại bỏ và tiêu huỷ các lá và trái bị bệnh.
Khi phát hiện cây bị bệnh để hạn chế lây lan, không nên tưới nước lên tán cây.
Thường xuyên thăm vườn, phun ngừa bằng Benomyl hay các loại thuốc gốc đồng nồng độ 0,1-0,2% trước khi ra hoa, sau đó phun định kỳ 1 tuần/lần cho đến khi đậu trái.
Bệnh thối gốc chảy nhựa trên cây bưởi da xanh
Trên cây bưởi Da Xanh đây cũng là một bệnh khá phổ biến trong mùa mưa. Bệnh do nấm Phytophthora spp. gây ra. Vỏ của thân cây bị sũng nước ở phần gốc hay ở khoảng 2/3 của cây, sau đó vết bệnh phát triển rộng ra, chuyển màu nâu vàng, vết bệnh nứt ra, từ đó chảy nhựa màu vàng. Ngoài ra, nấm cũng tấn công lên trái làm thối trái, nhất là những trái gần mặt đất.
Biện pháp phòng trị Bệnh thối gốc chảy nhựa trên cây bưởi da xanh
Dùng gốc ghép kháng bệnh như Cam chua, cam 3 lá,…không tủ cỏ sát gốc vào mùa mưa, tỉa cành thông thoáng.
Dùng thuốc gốc Đồng hoặc vôi quét vào gốc cây một năm 2 lần vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.
Khi bệnh chớm xuất hiện, dùng dao cạo hết chổ vỏ cây bị bệnh rồi dùng thuốc Mataxyl 500WP, Ridomil –MZ 72WP, pha đậm đặc quét vào nơi bệnh, quét khoảng 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau khoàng 15 – 20 ngày.
- Kích thích ra hoa, đậu trái
Bưởi da xanh ra hoa, trái quanh năm; do đó để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, nên kích thích ra hoa, đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch, nhưng nếu lưu trái nhiều quá sẽ làm suy cây.
- Bao trái
Quả bưởi cũng cần phải bao sớm. Khi quả bưởi to bằng quả trứng vịt (đường kính 2,2-2,5cm) dùng túi nilon có đường kính 20-40cm, dài 30-60cm, thủng hai đầu để bao quả có trọng lượng khi chín 0,7-4kg.
Dùng túi nylon bao chùm trái từ phần cuống theo hướng thẳng xuống, dùng dây buộc giữ túi vừa chặt. Túi nylon cắt bỏ hoàn toàn phần đáy vừa giữ được sự thông thoáng, vừa ngăn các loại côn trùng, sâu và ruồi đục trái tấn công.
Khi quả được bao bằng túi nilon màu trắng trong, chất diệp lục ở vỏ quả vẫn hấp thu được ánh sáng và quang hợp bình thường như những quả để tự nhiên, do vậy màu sắc của quả không thay đổi từ khi nhỏ tới chín, đảm bảo màu sắc hấp dẫn tự nhiên.
Quả trong túi nilon phát triển bình thường ít bị sâu, bệnh phá hại có màu sắc đẹp, hấp dẫn, năng suất, chất lượng quả được cải thiện rõ rệt.
- Thu hoạch
Nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da căng láng, cắt luôn cả cuốn trái. Không hái trái khi chưa chín tới hoặc hái quá trễ, chất lượng không tốt.
Tổng kết
Trên đây là tổng hợp thông tin về kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc, phòng ngừa một số sâu bệnh hại trên cây bưởi da xanh để đem lại năng suất hiệu quả . Bà con có nhu cầu trồng cây bưởi da xanh, hãy liên hệ ngay Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng để được tư vấn nhé.
Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng chuyên cung cấp tất cả giống cây trồng như cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu. Đảm bảo cây to, khoẻ, có bảo hành cây đúng giống và có tư vấn kỹ thuật trồng cho bà con.
Link tham khảo: https://kythuatnuoitrong.edu.vn/ky-thuat-trong-buoi-da-xanh-89.html